Xây dựng đội ngũ trong công ty khởi nghiệp như thế nào?
Việc thiếu cơ chế dẫn đến hậu quả là đội ngũ hoạt động thiếu sự phối hợp nhịp nhàng và thường dẫn đến xung đột.
Công ty khởi nghiệp thường chưa chắc chắn sẽ thành công trong tương lai nên khó hấp dẫn được nguồn nhân lực chất lượng cao và ổn định. Nhân lực tìm đến công ty khởi nghiệp phần lớn do bị từ chối ở các công ty đã thành danh. Họ đến với tâm thế tìm nơi làm việc tạm thời, tích lũy thêm kinh nghiệm, trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng để đủ điều kiện ứng tuyển vào các công ty đã thành danh.
Thế nên tinh thần làm việc của họ kém, chất lượng công việc không cao, thiếu sáng tạo và thường xuyên nhảy việc khi có cơ hội. Vì vậy, người khởi nghiệp không nên thực hiện ý tưởng cùng với đội ngũ lao động làm thuê thiếu tinh thần đồng đội, mà nên xây dựng đội ngũ hợp tác, cùng nhau san sẻ lợi ích và niềm tin để gầy dựng doanh nghiệp. Khi đó, đội ngũ sẽ làm việc với tâm thế của những người chủ, cùng nhau suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo giúp công ty phát triển.
Thông thường, dự án khởi nghiệp cần đến đội ngũ am hiểu các khía cạnh cơ bản, bao gồm: pháp lý, thị trường, kỹ thuật – công nghệ, quản lý – vận hành, tài chính – kế toán. Người sáng lập cần thấu hiểu bản thân, xem mình am hiểu và có thể đảm nhận được việc gì, việc gì cần tìm thêm đội ngũ cộng tác. Trong quá trình tập hợp đội ngũ, người sáng lập thường gặp phải sai lầm là tập hợp đội ngũ có cùng sở trường, kiến thức (do dựa vào các mối quan hệ có sẵn) nên không thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau.
Khi đã tập hợp được đội ngũ phù hợp, cần thiết lập cơ chế cộng tác với lợi ích và trách nhiệm rõ ràng ngay từ đầu và cam kết thực hiện. Các cam kết thường liên quan đến nghĩa vụ đóng góp của các thành viên trong đội ngũ dưới hình thức vật chất (tiền mặt, tài sản); hoặc dưới dạng nguồn lực vô hình (các mối quan hệ, kiến thức); trách nhiệm trong việc đóng góp vào kế hoạch và thực hiện các phần việc liên quan đến quá trình thực hiện kế hoạch, chẳng hạn như tìm kiếm khách hàng, kết nối các mối quan hệ, xem xét các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, xây dựng cơ sở vật chất, chuẩn bị các thủ tục pháp lý và phát triển đội ngũ…; lợi ích hữu hình và vô hình.
Trên thực tế, người sáng lập thường gặp phải sai lầm bởi ít chú trọng đến việc thiết lập cơ chế hoạt động, chuẩn mực cho đội ngũ ngay từ đầu, mà chủ yếu phân công, giao việc theo kế hoạch để mọi người tự thực hiện. Việc thiếu cơ chế dẫn đến hậu quả là đội ngũ hoạt động thiếu sự phối hợp nhịp nhàng và thường dẫn đến xung đột.
Bên cạnh đó là nhiều trường hợp thuê người quen biết, bạn bè, người thân trong gia đình, họ hàng để củng cố niềm tin trong giao việc. Và đội ngũ “thân quen” này sẽ gây khó khăn cho việc hình thành và thực hiện cơ chế vì họ thường nghĩ sẽ được đối xử theo tiêu chuẩn khác với cơ chế chung, từ đó dẫn đến xung đột trong tổ chức và hạn chế hiệu quả hoạt động của tổ chức.
Ngay cả khi tập hợp được đội ngũ phù hợp, có cơ chế làm việc, hợp tác rõ ràng cũng chưa đủ để đội ngũ hoạt động hiệu quả. Đặc trưng rất phổ biến ở các công ty khởi nghiệp là đội ngũ thường xuyên xảy ra xung đột do chưa hiểu cơ chế một cách nhất quán và các thành viên chưa hiểu rõ về nhau. Lúc đó, người sáng lập phải biết động viên chính mình và đồng đội, “truyền lửa” cho đội ngũ theo hướng củng cố niềm tin, mở ra hướng đi cũng như cách làm phù hợp hơn để vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển.
Leave a Reply