Thắc mắc: Vì sao doanh nghiệp ngại nộp thuế điện tử?
Điều này không những tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình kê khai, nộp thuế mà còn giúp giảm áp lực cho cơ quan thuế trong việc cung cấp dịch vụ tiện ích cho DN.
Ngân hàng chưa đồng hành
Cục Thuế TP.HCM đã chính thức triển khai nộp TĐT từ quý IV/2014, tuy nhiên, cho đến nay, tốc độ triển khai còn chậm so với quy mô.
Tính đến ngày 26/5, tại Cục Thuế TP.HCM mới có 9.545 DN đăng ký nộp TĐT, đạt gần 7% so với chỉ tiêu được giao (134.297 DN).
Theo ông Trần Ngọc Tâm, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc triển khai nộp TĐT tại đơn vị chưa như kì vọng.
Trước hết, vào thời điểm mới triển khai (cuối năm 2014 đầu năm 2015), Cục Thuế TP.HCM phải dồn sức vào việc chuyển đổi hệ thống dữ liệu tập trung, đồng thời chuẩn bị cho công tác chuyển trụ sở nên đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả triển khai nộp TĐT.
Bên cạnh đó, mặc dù ngày càng có nhiều ngân hàng (NH) tham gia kết nối nộp TĐT nhưng sự tham gia của các NH chưa thực sự quyết liệt. Một số chi nhánh NH còn chưa hưởng ứng tích cực dù việc nộp TĐT đang mang lại quyền lợi trực tiếp cho ngành này.
Không chỉ NH trong nước, các NH có vốn đầu tư nước ngoài do còn e ngại về tính bảo mật nên cũng chưa sẵn sàng tham gia.
Trên thực tế, dù Bộ Tài chính đã có những biện pháp can thiệp nhưng tại TP.HCM vẫn chưa có chi nhánh NH nước ngoài nào kết nối với hệ thống nộp TĐT.
Mặc dù việc nộp TĐT mang lại quyền lợi cho cả DN, NH và cơ quan thuế nhưng hiện nay việc tuyên truyền DN nộp TĐT mới chỉ do cơ quan thuế thực hiện và việc thông tin trên các cơ quan truyền thông cũng còn hạn chế.
Do vậy, nhiều DN vẫn còn tâm lý e ngại, trông chờ và chưa có sự quan tâm nhiều đến việc này mặc dù Cục Thuế TP.HCM đã triển khai tập huấn cho 75.000 – 80.000 DN.
“Để thu hút DN tham gia nhiều hơn, các NH cần tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền lợi ích của việc nộp TĐT để giải tỏa tâm lý cho DN. Bên cạnh đó, các NH cũng phải cải cách hơn nữa về thủ tục hành chính và có chính sách khuyến mãi tốt hơn để thu hút khách hàng tham gia”, ông Tâm đề nghị.
Nhưng ở góc độ quản lý, các chuyên gia cho rằng, Tổng cục Thuế cũng cần rút ngắn thời gian, trình tự triển khai phối hợp thu và nộp TĐT giữa Tổng cục với các NH (kể cả đối với NH có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam), qua đó nhanh chóng ký kết hợp tác với các NH còn lại.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cần xây dựng cơ chế ưu đãi về phí sử dụng dịch vụ tài khoản của NH để thực hiện nộp TĐT, qua đó hỗ trợ, khuyến khích nhiều hơn nữa DN tham gia dịch vụ.
Doanh nghiệp e ngại
Hiện Tổng cục Thuế đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế để tạo thuận lợi cho 65.000 DN đang thực hiện kê khai thuế qua hệ thống của các nhà cung cấp dịch vụ truyền nhận dữ liệu điện tử trung gian (T-VAN) và tạo ra hành lang pháp lý cho phép tổ chức T-VAN tham gia cung cấp dịch vụ nộp TĐT, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích DN tham gia nộp TĐT.
Tuy nhiên, theo kế toán một công ty chuyên về may mặc ở quận 6, TP.HCM, hiện nay, những DN thực hiện kê khai thuế qua hệ thống T-VAN muốn nộp TĐT thì vẫn phải sử dụng hệ thống nộp TĐT của cơ quan thuế.
Như vậy, để thực hiện việc kê khai, nộp thuế thì DN phải truy cập, sử dụng 2 hệ thống khác nhau, gây bất tiện cho DN trong quá trình thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước.
Đại diện công ty này kiến nghị, cần thiết phải thực hiện xã hội hóa, khuyến khích các đơn vị T-VAN cung cấp dịch vụ nộp TĐT cho DN.
Điều này không những tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình kê khai, nộp thuế mà còn giúp giảm áp lực cho cơ quan thuế trong việc cung cấp dịch vụ tiện ích cho DN.
Ngoài ra, do phần lớn DN lần đầu được tiếp cận với hình thức kê khai và nộp TĐT nên không tránh khỏi sự băn khoăn về tính hợp pháp, độ an toàn của chữ ký số, hồ sơ khai TĐT.
Nhiều DN cho rằng, với mức giá do nhà cung cấp phần mềm chứng thực chữ ký số lên tới 800.000 – 1,4 triệu đồng/năm sẽ khó hấp dẫn DN có quy mô nhỏ và vừa.
Hơn nữa, chất lượng dịch vụ còn hạn chế như phần mềm hay bị lỗi cũng gây khó khăn khi kê khai, nộp TĐT. Ngoài ra, hành lang pháp lý mang tính bắt buộc của việc thực hiện nộp TĐT còn yếu cũng gây khó khăn cho việc triển khai.
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, các DN tại các địa phương có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin bắt buộc phải kê khai, nộp thuế qua mạng.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, dù đã có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin nhưng việc khai thuế qua mạng, nộp TĐT của DN tại TP.HCM chủ yếu mới chỉ vận động là chính, chưa có chế tài bắt buộc nên dù đây là quyền lợi, trách nhiệm nhưng nhiều DN vẫn chần chừ không muốn tham gia.
Leave a Reply